Đau dây thần kinh tọa uống thuốc gì?
Các loại thuốc điều trị đau thần kinh tọa có tác dụng giảm cơn đau và một số triệu chứng đi kèm, đồng thời thúc đẩy tốc độ phục hồi và tái tạo mô thần kinh. Ở từng trường hợp, bác sĩ sẽ cân nhắc về biểu hiện lâm sàng, nguyên nhân cụ thể và khả năng đáp ứng để chỉ định loại thuốc và điều chỉnh liều lượng phù hợp.
Bị đau thần kinh tọa nên uống thuốc gì?Đau thần kinh tọa nên uống thuốc gì?
Đau dây thần kinh tọa đặc trưng với triệu chứng đau nhức, tê yếu chi dưới, đau nhói từ vùng thắt lưng lan rộng xuống hông, đùi và bắp chân. Ngoài ra, tình trạng này còn làm phát sinh một số triệu chứng rối loạn cảm giác do chèn ép dây thần kinh quá mức như nóng rát, châm chích, nóng lạnh bất thường, dị cảm,…
Sử dụng thuốc là một trong những phương pháp điều trị đau dây thần kinh tọa phổ biến. Phương pháp này có tác dụng giảm đau nhức và cải thiện các triệu chứng đi kèm, đồng thời hỗ trợ phục hồi chức năng của dây thần kinh và tăng cường khả năng, phạm vi vận động.
Tùy thuộc vào mức độ triệu chứng, độ tuổi, khả năng đáp ứng và nguyên nhân cụ thể gây đau dây thần kinh tọa, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc Tây sau:
1. Thuốc giảm đau thần kinh tọa thường dùng – Paracetamol
Paracetamol (Acetaminophen) là thuốc hạ sốt và giảm đau không kê toa, có phạm vi chỉ định rộng và tương đối an toàn ở liều điều trị. Loại thuốc này là lựa chọn ưu tiên trong điều trị các bệnh xương khớp như đau vai gáy, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp nhiễm khuẩn và đau dây thần kinh tọa.
Hiệu quả giảm đau của Acetaminophen bắt nguồn từ cơ chế ức chế tổng hợp cyclooxygenase/ prostaglandin ở hệ thần kinh trung ương. Thuốc có thể làm giảm cơn đau có mức độ từ nhẹ đến trung bình. Trong điều trị đau dây thần kinh tọa, Paracetamol được sử dụng với liều 500 – 1000mg/ 2 – 3 lần/ 24 giờ.
Paracetamol được sử dụng để giảm đau nhức do đau dây thần kinh tọa và các bệnh xương khớp khác
Chống chỉ định:
- Các trường hợp bị suy gan nặng, suy thận, mắc các vấn đề ở tim và phổi
- Tiền căn thiếu máu nhiều lần
- Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Thiếu hụt glucose-6-phosphat dehydrogenase
- Thận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai, người có tiền sử nghiện rượu
Rất ít trường hợp bị dị ứng và gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng Paracetamol. Loại thuốc này chỉ gây ra một số tác dụng ngoại ý có mức độ nhẹ như ban đỏ, nổi mề đay, buồn nôn và nôn mửa.
2. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
NSAID có tác dụng giảm đau và chống viêm. Loại thuốc thường được sử dụng khi Paracetamol không đem lại hiệu quả. Thuốc chống viêm không steroid có khả năng ức chế enzyme cyclooxygenase 1 và 2 (toàn thân) nhằm ức chế hoạt động tổng hợp prostaglandin – chất trung gian trong phản ứng viêm. Bên cạnh đó, NSAID còn ức chế PGF2 nhằm làm giảm khả năng thụ cảm serotonin, histamine, cytokine và một số chất dẫn truyền thần kinh khác.
Thuốc chống viêm không steroid có khả năng giảm đau mạnh hơn so với Paracetamol. Tuy nhiên nhóm thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng nên chỉ được dùng trong điều trị ngắn hạn.
Các NSAID thông thường (Ibuprofen, Diclofenac, Aspirin, Naproxen,…) có thể gây xuất huyết tiêu hóa và viêm loét dạ dày tá tràng. Trong khi đó, thuốc ức chế chọn lọc COX 2 (một nhóm nhỏ của NSAID) gồm có Meloxicam, Piroxicam, Celecoxib,… có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ đối với người có vấn đề về tim mạch. Vì vậy trước khi sử dụng nhóm thuốc này, nên thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng và tình trạng sức khỏe để được chỉ định loại thuốc và hiệu chỉnh liều lượng phù hợp.
NSAID chỉ được sử dụng khi thuốc giảm đau thông thường – Paracetamol không đem lại hiệu quả
Chống chỉ định:
- Các trường hợp bị rối loạn đông máu
- Viêm loét dạ dày tá tràng tiến triển
- Suy gan, suy thận nặng
- Có tiền sử xuất huyết tiêu hóa
- Tiền sử dị ứng với NSAID
- Đang mang thai
- Trẻ em dưới 12 tuổi
- Xác định có tiền sử phù mạch, nổi mề đay mẩn ngứa và bùng phát cơn hen cấp tính khi sử dụng Aspirin và các loại chống viêm không steroid khác
Để giảm đau do hội chứng đau thần kinh tọa, bác sĩ thường chỉ định Diclofenac 50mg/ 3 lần/ ngày (liều tấn công) trong 2 – 3 ngày và sau đó duy trì với liều 50mg/ 2 lần/ ngày. Hoặc dùng Celecoxib 100 – 200mg/ 2 lần/ ngày, hoặc Meloxicam 7.5mg/ 2 lần/ ngày, hoặc Ibuprofen 400mg/ 2 lần/ ngày.
3. Thuốc giảm đau gây nghiện (opioids)
Opioids là loại thuốc giảm đau cần kê toa, có tác dụng giảm cơn đau có mức độ từ trung bình đến nặng. Khi dung nạp vào cơ thể, thuốc bắt đầu liên kết với các thụ thể opioid ở hệ thần kinh ngoại biên, trung ương và đường tiêu hóa nhằm làm giảm khả năng dẫn truyền tín hiệu đau đến não bộ, đồng thời làm tăng ngưỡng chịu đau của cơ thể.
Thuốc giảm đau gây nghiện được sử dụng khi Paracetamol không có đáp ứng tốt. Nhóm thuốc này tương đối an toàn khi sử dụng trong điều trị ngắn hạn với liều thấp nhất có đáp ứng. Ngược lại, dùng opioid trong thời gian dài có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng lệ thuộc thuốc và nghiện thuốc.
Để giảm thiểu rủi ro, bác sĩ thường chỉ định các chế phẩm phối hợp giữa opioids và Paracetamol. Các chế phẩm này có khả năng giảm đau nhanh, mạnh nhưng ít khi gây ra phản ứng bất lợi.
Nếu không có đáp ứng, bác sĩ có thể cân nhắc dùng các opioid có hoạt tính nhẹ như Tramadol. Các loại thuốc giảm đau gây nghiện có hoạt tính mạnh như Morphin, Pethidin,… chỉ được sử dụng khi cơn đau có mức độ quá nặng nề và không có đáp ứng với các opioid khác.
Opioid chống chỉ định với người suy hô hấp cấp, ngộ độc rượu cấp tính, trẻ dưới 15 tuổi,…
Chống chỉ định:
- Ngộ độc rượu cấp tính
- Suy hô hấp cấp
- Tiền căn ngộ độc với thuốc có cơ chế thần kinh như thuốc hướng tâm thần, thuốc ngủ,…
- Trẻ dưới 15 tuổi
- Suy gan nặng
- Dị ứng, quá mẫn với các dẫn chất thuốc phiện
- Dùng thuốc ức chế MAO >= 15 ngày
- Phụ nữ mang thai và cho con bú
- Động kinh chưa được kiểm soát
Khi dùng thuốc opioid, cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tự ý tăng liều hoặc ngưng thuốc đột ngột có thể gây ra hội chứng cai thuốc với các triệu chứng như ảo giác, hốt hoảng, hoang tưởng và đổ nhiều mồ hôi.
4. Thuốc giảm đau thần kinh
Thuốc giảm đau thần kinh (Gabapentin) thường được sử dụng phối hợp với một số loại thuốc khác nhằm kiểm soát và phòng ngừa động kinh. Ngoài ra, loại thuốc này còn được sử dụng để giảm đau thần kinh do các bệnh lý xương khớp, bệnh lý thần kinh tiểu đường, hội chứng chân không yên và zona thần kinh.
Thuốc giảm đau thần kinh thường được sử dụng phối hợp với opioid nhằm tăng hiệu quả điều trị đau do chèn ép dây thần kinh trong hội chứng đau vai gáy và đau dây thần kinh tọa.
Chống chỉ định:
- Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ mang thai và cho con bú
Thuốc giảm đau thần kinh có thể gây ra một số tác dụng phụ thường gặp như chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi, rung giật nhãn cầu, nhìn đôi, mất điều hòa, tăng huyết áp, giãn mạch, phù ngoại biên,…
5. Thuốc giãn cơ – Thuốc trị đau dây thần kinh thường dùng
Thuốc giãn cơ là một trong những loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị đau dây thần kinh tọa và một số vấn đề liên quan đến cột sống khác. Nhóm thuốc này được sử dụng khi có hiện tượng co cơ cạnh sống gây đau dữ dội, mức độ đau tăng lên đáng kể và gây vẹo cột sống.
Thuốc giãn cơ được dùng trong điều trị đau thần kinh tọa chủ yếu là Tolperisone với liều lượng 2 viên 50mg/ 3 lần/ ngày. Loại thuốc này làm thư giãn cơ có tác dụng trung ương với cơ chế chính là ức chế quá trình dẫn truyền trong các noron vận động và dây thần kinh nguyên phát nhằm ức chế phản xạ đa và đơn synap.
Thuốc giãn cơ được dùng khi đau dây thần kinh gây co cơ cạnh sống, dẫn đến đau nhiều, vẹo lưng
Chống chỉ định:
- Nhược cơ năng
- Phụ nữ mang thai – đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ
- Phụ nữ đang cho con bú
- Trẻ em
Thuốc giãn cơ có thể gây ra một số tác dụng phụ như hạ huyết áp, buồn nôn, nhược cơ, nhức đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn mửa. Để khắc phục các triệu chứng này, bác sĩ có thể đề nghị giảm liều lượng.
6. Vitamin nhóm B – Thuốc đặc trị đau dây thần kinh tọa
Các viên uống tổng hợp vitamin nhóm B (B1, B6 và B12) thường được sử dụng trong điều trị đau dây thần kinh tọa và các bệnh lý xương khớp có chèn ép dây thần kinh như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm. Vitamin nhóm B có vai trò trong quá trình chuyển hóa tế bào – đặc biệt là tế bào thần kinh.
Các viên uống tổng hợp vitamin B1, B6 và B12 được chứng minh có hiệu quả tăng tốc độ phục hồi tổn thương ở dây thần kinh và cải thiện chức năng cơ bắp. Bên cạnh tác dụng điều trị đau dây thần kinh tọa, loại thuốc này còn được sử dụng cho bệnh nhân đau dây thần kinh sinh ba, đau dây thần kinh liên sườn, hội chứng đau vai gáy,…
Chống chỉ định:
- Dị ứng với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Người bị u ác tính
Mặc dù là dạng viên uống bổ sung nhưng vitamin nhóm B có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nếu sử dụng không đúng cách. Do đó, cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi dùng loại thuốc này trong điều trị đau dây thần kinh tọa.
7. Thuốc kích thích tăng dẫn truyền và phục hồi thần kinh
Bên cạnh những loại thuốc trên, bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc kích thích tăng dẫn truyền và phục hồi thần kinh (Mecobalamin). Loại thuốc này là một loại co-enzyme của vitamin B12 có khả năng thúc đẩy quá trình chuyển hóa lipid, protein và nucleic nhằm phục hồi thương tổn và bình thường hóa tốc độ dẫn truyền.
Thuốc kích thích tăng dẫn truyền và phục hồi thần kinh thường được dùng để điều trị thiếu máu hồng cầu khổng lồ do thiếu vitamin B12 và các bệnh lý thần kinh ngoại biên – trong đó có bệnh đau dây thần kinh tọa.
Mecobalamin có khả năng phục hồi thương tổn thần kinh và bình thường hóa tốc độ dẫn truyền
Chống chỉ định:
- Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
Nhóm thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ thường gặp như buồn nôn, tiêu chảy, ăn không ngon, rối loạn tiêu hóa,…
8. Thuốc tăng tái tạo bao myelin
Thuốc tăng tái tạo bao myelin (Cytidine, Uridine) thường được dùng trong điều trị các bệnh lý thần kinh như đau dây thần kinh tọa, thần kinh sinh ba, tổn thương thần kinh do bệnh tiểu đường, đau thần kinh ngoại biên do thiếu hụt dinh dưỡng,…
Cytidine, Uridine có tác dụng tổng hợp phức hợp lipoprotein và lipid (thành phần cấu tạo dây thần kinh), đồng thời cung cấp dinh dưỡng và năng lượng nhằm nuôi dưỡng, tái tạo các màng sợi trục và sợi trục thần kinh. Với cơ chế này, thuốc có thể tăng tái tạo bao mylelin và ngăn ngừa thoái hóa thần kinh.
Chống chỉ định:
- Dị ứng hoặc quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
Trong quá trình sử dụng, thuốc có thể gây rối loạn tiêu hóa, nổi mề đay mẩn ngứa, buồn nôn, nôn mửa và phát ban da.
9. Kháng sinh điều trị đau thần kinh tọa do nhiễm trùng
Ngoài những nguyên nhân thường gặp, đau dây thần kinh tọa cũng có thể xảy ra do nhiễm trùng (tụ cầu, vi khuẩn lao). Tình trạng này thường thứ phát sau lao phổi, nhiễm trùng tiết niệu, phổi, nhiễm trùng da hoặc sau khi tiêm tĩnh mạch không được vô trùng hoàn toàn.
Đối với trường hợp này, bác sĩ sẽ nuôi cấy dịch, mô nhằm xác định chủng vi khuẩn gây nhiễm trùng và đánh giá mức độ nhạy cảm trước khi làm kháng sinh đồ. Các kháng sinh thường được dùng để điều trị đau dây thần kinh tọa do nhiễm trùng, bao gồm Streptomycin, Ethambutol, Streptomycin, Amicillin, Clindamycin, Quinolone,…
10. Thuốc phong bế dẫn truyền thần kinh
Thuốc phong bế dẫn truyền thần kinh/ thuốc gây tê cục bộ (Novocain, Procaine) là một trong những nhóm thuốc thường được dùng để điều trị đau dây thần kinh tọa và các bệnh lý liên quan đến tim mạch như co thắt mạch, viêm mạch và xơ cứng mạch. Ngoài ra, nhóm thuốc này còn được dùng để gây tê trong các tiểu phẫu.
Novocain được dùng tiêm cạnh cột sống thắt lưng nhằm giảm đau, dị cảm và tê bì
Các loại thuốc phong bế dẫn truyền thần kinh có thể được tiêm cạnh cột sống thắt lưng nhằm gây tê, giảm đau nhức và rối loạn cảm giác. Loại thuốc này thường được dùng kèm với vitamin B12 nhằm phục hồi và tái tạo thương tổn ở dây thần kinh.
Một số lưu ý khi dùng thuốc trị đau thần kinh
Sử dụng thuốc là một trong những phương pháp chính trong điều trị đau dây thần kinh tọa. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ giúp cải thiện triệu chứng, tái tạo và phục hồi thương tổn ở dây thần kinh. Thực tế cho thấy, dùng thuốc đơn độc không thể điều trị đau dây thần kinh tọa dứt điểm.
Hiện nay, điều trị bệnh lý này bao gồm khắc phục triệu chứng, nguyên nhân kết hợp với vật lý trị liệu nhằm phục hồi chức năng vận động và giải phóng chèn ép lên dây thần kinh. Bên cạnh đó cần phối hợp với lối sống và chế độ chăm sóc phù hợp nhằm tối ưu hiệu quả điều trị.
Nên tìm gặp bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc trị đau thần kinh tọa
Ngoài ra khi dùng thuốc điều trị đau dây thần kinh, cần chú ý một số vấn đề sau:
- Tìm gặp bác sĩ để được chỉ định loại thuốc phù hợp với tình trạng bệnh lý, độ tuổi và mức độ đáp ứng . Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi chưa tham vấn y khoa.
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều dùng, tần suất và thời gian sử dụng thuốc. Không tự ý hiệu chỉnh liều hoặc ngưng thuốc đột ngột.
- Tránh lạm dụng thuốc điều trị đau dây thần kinh tọa. Thay vào đó, nên tập thể dục, thay đổi tư thế và ăn uống khoa học để hỗ trợ kiểm soát cơn đau.
- Rượu bia, đồ uống chứa cồn và chất kích thích có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Vì vậy không sử dụng chất kích thích và những loại đồ uống này trong thời gian điều trị.
- Thông báo ngay với bác sĩ khi gặp phải tác dụng phụ khi dùng thuốc.
- Khi cơn đau và các triệu chứng thuyên giảm, có thể dùng một số viên uống hỗ trợ và thực phẩm chức năng nhằm hỗ trợ phục hồi tổn thương ở dây thần kinh và tăng khả năng vận động.
Bài viết đã tổng hợp 10 loại thuốc Tây thường được sử dụng để điều trị đau dây thần kinh tọa. Tuy nhiên, thông tin trong bài viết chỉ có tính chất tham khảo và không thể thay thế cho chỉ định chuyên môn của bác sĩ. Để đảm bảo an toàn, nên tham vấn y khoa trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào.
Nguồn: https://vhea.org.vn/dau-day-than-kinh-toa-uong-thuoc-gi-15663.html
Tham khảo thêm:
Thực phẩm chức năng hỗ trợ trị đau thần kinh tọa tốt 2020
https://www.metooo.io/e/thuoc-dieu-tri-thoai-hoa-dot-song-co
https://vheasuckhoe.business.site/
https://yduoc.webflow.io/
https://www.reddit.com/user/vheavnn